Lò vi sóng
Ảnh: MSNBC
|
Percy Spencer một kỹ sư thuộc tập đoàn công nghiệp và nhà thầu quốc phòng Raytheon của Mỹ, được biết đến như là một thiên tài về điện tử. Năm 1945, khi đang thay thế ống kiểm soát điện từ magnetron phát ra vi sóng được sử dụng trong ruột của mảng radar, Spencer thấy có một cảm giác là lạ trong túi quần của mình. Nghe tiếng kêu xèo xèo, Spencer ngừng tay và thấy thanh chocolate trong túi bắt đầu tan chảy. Khi phát hiện bức xạ vi sóng của ống magnetron là thủ phạm gây ra “sự cố” trên, Spencer lập tức nhận ra khả năng ứng dụng nó vào lĩnh vực nấu nướng. Kết quả là lò vi sóng ra đời, trở thành cứu tinh của những người muốn dùng bữa ăn nhanh và nóng sốt.
Ảnh: MSNBC |
Đường saccharin
Một ngày của năm 1879, Ira Remsen và Constantin Fahlberg, nhân viên phòng thí nghiệm Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tạm ngừng công việc để ăn trưa. Fahlberg đã quên rửa tay trước khi ăn, một hành vi sơ suất khiến nhiều nhà hóa học phải đánh đổi bằng mạng sống. Thế nhưng lần này, nó lại giúp Fahlberg nhận ra một hương vị ngọt ngào kỳ lạ trong bữa ăn của mình. Đó chính là chất ngọt nhân tạo (đường saccharin) . Bộ đôi cùng công bố phát hiện của họ, nhưng chỉ có tên của Fahlberg trên bằng sáng chế. Remsen cho rằng mình đã bị chơi xỏ, và sau đó nhận xét: “Fahlberg là một gã vô lại” !
Ảnh: MSNBC |
Đồ chơi lò xo Slinky
Năm 1943, trong lúc kỹ sư hải quân Richard James đang cố gắng tìm cách sử dụng những chiếc lò xo để giữ các thiết bị nhạy cảm trên tàu không bị lắc lư, thì ông đụng phải một trong những mẫu thiết bị của mình. Thế nhưng thay vì bị rơi xuống sàn, chiếc lò xo bật xuống một cách uyển chuyển và tự đứng thẳng lên được sau đó. Chiếc lò xo này sau đó đã trở thành đồ chơi ưa chuộng của trẻ em toàn cầu.
Ảnh: MSNBC |
Đất sét nặn Play-Doh
Trước khi trở thành đồ chơi của trẻ em ở khắp nơi, điều oái oăm là Play-Doh được tạo ra như một sản phẩm làm sạch. Hỗn hợp nhão này ban đầu được giới thiệu là chất làm sạch tấm giấy dán tường dơ. Điều đã cứu Công ty Kutol Products (Mỹ), vốn đang trên bờ vực phá sản, không phải là công dụng ban đầu của sản phẩm này, mà nhờ các học sinh đã bắt đầu dùng chúng để tạo ra đồ trang trí Giáng sinh. Bằng cách loại bỏ các chất tẩy rửa trong hợp chất này, bổ sung màu sắc và mùi hương, Kutol đã biến những chất bảo vệ tường này thành một trong những đồ chơi ấn tượng nhất mọi thời đại.
Ảnh: MSNBC |
Keo dán siêu dính
Năm 1942, tiến sĩ Harry Coover thuộc phòng thí nghiệm Eastman-Kodak nhận thấy chất cyanoacrylate mà ông tạo ra là một thất bại đau đớn. Chất này không thích hợp để chế tạo súng ngắm chính xác như ông đã hy vọng, mà mắc kẹt vào mọi thứ nó chạm vào. Vì vậy, nó đã bị quên lãng. Sáu năm sau, trong khi giám sát một thiết kế thực nghiệm mới về các vòm kính che buồng lái máy bay, Coover lâm vào một tình huống tương tự và cyanacrylate rõ ràng là chất vô dụng. Nhưng sau đó, Coover thấy rằng những chất này đã tạo thành sự kết dính chắc đến khó tin mà không cần nhiệt. Nhóm của Coover hàn các vật thể khác nhau lại trong phòng thí nghiệm và nhận ra rằng họ đã vô tình tìm ra một công dụng cho các hỗn hợp này. Coover đã đăng ký bằng sáng chế về phát hiện của mình vào năm 1958. Tròn 16 năm sau khi ông tạo ra chất này, cyanoacrylate đã được bán trên thị trường.
Ảnh: MSNBC |
Chất chống dính
Lần tới, khi bạn làm món trứng tráng mà không bị dính thì hãy cảm ơn nhà hóa học Roy Plunkett, người đã từng hết sức u sầu khi tình cờ phát minh ra chất chống dính Teflon vào năm 1938. Plunkett đã hy vọng tạo ra một loại chlorofluorocarbon (CFC) mới khi ông quay lại kiểm tra thí nghiệm của mình trong một phòng lạnh. Khi kiểm tra một hộp nhỏ được cho là chứa đầy khí, ông thấy rằng nó dường như đã biến mất, chỉ để lại một ít chất trắng. Plunkett bị hấp dẫn bởi các hóa chất bí ẩn này và ngay lập tức bắt đầu thử nghiệm những đặc tính của chúng. Các chất mới này được chứng minh là một chất bôi trơn tuyệt vời có điểm nóng chảy rất cao, phù hợp trước hết với các trang thiết bị phục vụ quân sự và hiện rất hữu dụng trong các bộ xoong nồi.
Ảnh: MSNBC |
Nhựa Bakelite
Năm 1907, sen-lắc thường được sử dụng để cách ly các bộ phận bên trong các thiết bị điện tử ban đầu, chẳng hạn như radio và điện thoại. Nó rất tốt trừ một thực tế là chất này được làm từ phân của bọ cánh cứng châu Á và không phải là phương pháp cách ly rẻ nhất hay đơn giản nhất. Thay vào đó nhà hóa học người Bỉ Leo Baekeland đã tìm thấy chất polyoxybenzylmethylenglycolanhydride, loại nhựa tổng hợp đầu tiên trên thế giới, thường được gọi là Bakelite. Chất nhựa tiên phong này dễ tạo hình với bất kỳ hình dạng và màu sắc nào, và có thể giữ được hình dạng dưới nhiệt độ cao và sử dụng hằng ngày, và điều này khiến nó trở thành “ngôi sao” trong các nhà máy sản xuất, chế tác kim hoàn và thiết kế công nghiệp.
Ảnh: MSNBC |
Máy tạo nhịp tim
Một trợ lý giáo sư tại Đại học Buffalo (Mỹ) nghĩ rằng ông đã bị phá hoại dự án của chính mình. Thay vì chọn một điện trở 10.000-ohm để sử dụng trong một phiên bản thử nghiệm ghi âm tim, Wilson Greatbatch đã dùng điện trở 1-megaohm. Kết quả, mạch điện này đã tạo ra một tín hiệu trong khoảng 1,8 mili giây (1,8 phần nghìn giây) và sau đó tạm dừng trong 1 giây, rất giống với tim người. Greatbatch đã nhận ra dòng điện chính xác có thể điều chỉnh xung, làm mất đi nhịp tim không hoàn hảo của người bệnh. Trước thời điểm này, những máy tạo nhịp tim có kích cỡ bằng tivi cồng kềnh được gắn tạm thời với bệnh nhân từ bên ngoài. Nhưng hiệu quả tương tự có thể đạt được với một mạch điện nhỏ, hoàn toàn phù hợp để đưa vào ngực của một ai đó.
Ảnh: MSNBC |
Khóa dán
Một con chó đã “phát minh” ra khóa dán. Nói chính xác hơn, nó đóng vai trò như một phương tiện. Kỹ sư người Thụy Sĩ George de Mestral đi săn với con chó của mình và nhận thấy có nhiều thứ hay dính vào lông của nó (cùng vớ của ông). Sau đó, nhìn dưới kính hiển vi, Mestral quan sát những cái “móc” nhỏ xíu bị mắc kẹt vào vải và lông thú. Mestral tiến hành thí nghiệm trong nhiều năm với hàng loạt tấm vải trước khi phát minh một loại nylon mới, dù mãi đến hai thập kỷ sau đó công nghệ này mới phổ biến nhờ sự ưa chuộng của Cơ quan Hàng không và không gian Mỹ (NASA).
Ảnh: MSNBC |
X-quang
X-quang là một hiện tượng của thế giới tự nhiên và do đó không thể tạo ra được. Nhưng câu chuyện về khám phá này là một điều tuyệt vời trong những sự tình cờ đáng kinh ngạc. Năm 1895, khi nhà vật lý người Đức Wilhelm Roentgen đang thực hiện một cuộc thí nghiệm liên quan đến tia cathode, ông nhận thấy một mảnh bìa các tông huỳnh quang sáng lên từ khắp căn phòng. Một màn hình dày được đặt giữa các cực phát cathode và tấm bìa cứng bị bức xạ, cho thấy rằng hạt ánh sáng đã đi qua các vật thể rắn. Rất ngạc nhiên, Roentgen nhanh chóng thấy những hình ảnh tuyệt vời này có thể được tạo ra bằng các bức xạ này, và hình ảnh đầu tiên được chụp theo kiểu này là xương bàn tay của vợ ông.