Hành Tinh Khỉ 4: Disney sản xuất mùa 4, thương hiệu có đang “vắt sữa”?

Giống như thương hiệu về khủng long, Planet of the Apes (Hành Tinh Khỉ) cũng được “tái khởi động” với 3 mùa phim xuất sắc nhất bao gồm: Sự Trỗi Dậy Của Hành Tinh Khỉ, Sự Khởi Đầu Của Hành Tinh Khỉ và Đại Chiến Hành Tinh Khỉ. Đây là một trong số ít những thương hiệu giữ được tính toàn diện đến mùa phim thứ 3.

Mới đây, Walt Disney Studio chính thức thông báo rằng họ đang “rục rịch” phát hành mùa phim thứ 4, toàn bộ nội dung sẽ được làm mới lại và không liên quan gì đến 3 mùa phim trước đó. Theo như những gì Wukong tìm hiểu được, đa số khán giả đang mất lòng tin vào việc chuỗi phim phát hành liên tiếp nhiều mùa phim và không có dấu hiệu “nghỉ ngơi”, câu hỏi đặt ra là: “Liệu thương hiệu Planet of the Apes có đang vắt sữa như Jurassic World hay Fantastic Beasts?”.

Còn nhớ khoảng thời gian đầu khi Sự Trỗi Dậy Của Hành Tinh Khỉ chính thức phát hành, mình khá háo hức muốn đón xem bộ phim này. Vì trước đó Wukong đã được xem những mùa phim cũ qua truyền hình. Không bàn đến vấn đề kỹ xảo, kịch bản của những câu chuyện xoay quanh chủ đề về Hành Tinh Khỉ được biến tấu khá bất ngờ. Tưởng chừng chỉ có 1 vấn đề xoay quanh việc sống hòa nhập giữa con người với loài khỉ sẽ gây nên sự chán nhường, nhưng đổi lại là nhiều tầng ý nghĩa, lớp lang dày đặc.

Sự Trỗi Dậy Của Hành Tinh Khỉ như một cuộc cách mạng, mở đầu cho chuỗi phim “khởi động lại” của Hành Tinh Khỉ ở giai đoạn trước. Có lẽ những gì được làm mới lại đều mang một sự thu hút nhất định. Thấy rõ một điều bộ phim không chỉ mang đến những trường đoạn căng thẳng, kịch tính bởi cuộc chiến giữa loài khỉ và con người, mà đó còn là giây phút cho cảm xúc lên ngôi. 

Qua đó, Wukong thấy được câu chuyện không chỉ dừng lại ở một khía cạnh thiên nhiên, con người hòa hợp, mà còn việc giáo dục con người học cách bảo vệ thiên nhiên, hệ sinh thái.

Cả 3 mùa phim của Hành Tinh Khỉ phát triển câu chuyện quanh chú khỉ Caesar, từ một chú khỉ mồ côi mẹ, được sinh ra tại phòng thí nghiệm, cho đến khi Caesar trở thành một người cha, người ông và là thủ lĩnh của cả bộ tộc. Mặc dù qua 3 mùa phim, các nhân vật con người đều có sự thay đổi, nhưng loài khỉ vẫn luôn là trung tâm và xuyên suốt 3 phần phim, mình vẫn thấy được Caesar, Koba, Maurice…cùng các loài khỉ khác.

Để trả lời cho câu hỏi liệu thương hiệu có đang “vắt sữa”, thì ở bài viết này Wukong sẽ lấy ví dụ Jurassic World và Fantastic Beasts đánh giá qua 2 khía cạnh: doanh thu và kịch bản.

Đánh giá doanh thu

Sự Trỗi Dậy Của Hành Tinh Khỉ “mở bát” với doanh thu 481 triệu USD, trong khi kinh phí thực hiện bộ phim là 93 triệu USD, có thể thấy đây là một bước tiến tích cực với một bộ phim được “khởi động lại” từ những tác phẩm đã ra mắt trong quá khứ.

Wukong thấy điểm chung của những tác phẩm được sản xuất ở mùa đầu tiên đều tạo nên một sức hút nhất định với công chúng. Thứ nhất là do tính mới, bất cứ điều gì đều làm nên sự mới mẻ cũng mang lại hiệu quả cao với mọi người, điển hình là Fantastic Beasts 1 và Jurassic World (2015), một phim thì là phần ngoại truyện từ thương hiệu đình đám nổi tiếng – Harry Potter, một phim thì là phần “khởi động lại” tương tự như Hành Tinh Khỉ.

Nói về doanh thu của Fantastic Beasts 1, bộ phim đã mang về 844 triệu USD, được xem là doanh thu lớn nhất so với Fantastic Beasts 2 (654,9 triệu USD) và Fantastic Beasts 3 (365,4 triệu USD).

Về doanh thu của Jurassic World, tuy là phần tái khởi động nhưng bộ phim cũng đã thành công mang về 1,6 tỷ USD so với Jurassic World Fallen Kingdom (1,3 tỷ) và Jurassic World Dominion (165 triệu USD).

Nhìn tổng thể doanh thu của 2 thương hiệu trên, mình thấy rõ ràng doanh thu đều có suy giảm qua mỗi mùa phim. Điều đó chứng tỏ nó đã có dấu hiệu đi xuống, điều này phải nói đến kịch bản, nội dung và những “lùm xùm” quanh đời tư nhân vật, điển hình là Fantastic Beasts, thương hiệu “xu cà na” nhất thế kỷ.

Planet of the Apes (Hành Tinh Khỉ) lại khác, mọi thứ đều được công chúng đón nhận một cách tích cực, tuy cốt truyện vẫn xoay quanh Caesar, nhưng qua mỗi mùa phim đều được biến tấu và nâng cấp hơn, khiến trải nghiệm của mọi người thỏa mãn hơn. Đặc biệt, Wukong thấy doanh thu qua mỗi phần đều có phần tăng lên đáng kể.

Cụ thể là ở phần phim Sự Khởi Đầu Của Hành Tinh Khỉ đạt được 710 triệu USD, trong khi kinh phí thực hiện là 170 triệu USD, quả là “số đẹp”! Sang đến mùa 3 – Đại Chiến Hành Tinh Khỉ, bộ phim mang về 490 triệu USD với kinh phí thực hiện là 150 triệu USD. Điều đó, chứng tỏ thương hiệu không thật sự “vắt sữa” như Jurassic World và Fantastic Beasts nếu xét về doanh thu.

Đăc biệt, thời điểm mùa 3 ra mắt là vào năm 2017, khi những tác phẩm về vũ trụ siêu anh hùng đang “càn quét” từng cụm rạp, thì Hành Tinh Khỉ vẫn sống khỏe đến mức mình khó tin. Hơn nữa, Hành Tinh Khỉ còn tương đối thành công ở khía cạnh chuyên môn, với 5 lần được đề cử Oscar qua 9 phần phim trải dài từ 1968 đến nay. 

Bên cạnh đó, 3 mùa phim từ 2011 – 2017 được vinh danh, xướng tên trong mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm. là thương hiệu được. Đây là một trong số ít triology (bộ ba) phim thành công và giữ được tính toàn diện từ trước đến giờ.

Đánh giá về kịch bản, nội dung, cốt truyện

“Lời từ biệt đầy nước mắt của hành tinh khỉ” là những gì mà phần phim gần đây nhất nhận được. Không bàn đến 6 mùa phim ở những giai đoạn trước, Wukong nghĩ câu chuyện của chú khỉ Caesar được sinh ra, học cách tồn tại, xây dựng bộ tộc và rồi hy sinh sẽ không thể khiến những khán giả theo dõi Caesar cầm được nước mắt. 

Cũng như bao nhân vật anh hùng khác, Caesar đã có những cống hiến cũng như luôn hy sinh bảo vệ cộng đồng của cậu. Tuy nhiên, với bản chất là một loài khỉ, cậu lại được học cách sinh sống với con người, cư xử phép tắc và tạo nên những giá trị riêng cho loài khỉ.

Wukong còn nhớ câu thoại “Tôi không bắt đầu cuộc chiến này, nhưng tôi sẽ kết thúc” và “Đồng loại không bao giờ làm hại lẫn nhau”, có lẽ vậy nên Hành Tinh Khỉ vẫn đâu đó neo đậu trong mình những cảm xúc nhất định, không chỉ là cuộc chiến sống còn để tồn tại và giành quyền lợi cho cộng đồng, hơn hết là cả một hành trình xây dựng xã hội riêng của Caesar.

Nếu ở Jurassic World, mình đã phải chán ngán với những màn rượt đuổi ào ào của con người và khủng long, thì Hành Tinh Khỉ lại mang đến nhiều thông điệp sâu sắc hơn, nhân văn hơn mà bất kỳ mùa phim nào cũng có thể thấy. 

Không dàn trải quá nhiều nhân vật như Fantastic Beasts, không đi vào lối mòn và giải quyết chưa triệt để như Jurassic World, thương hiệu Hành Tinh Khỉ luôn sở hữu một kịch bản chắc tay, chứng tỏ biên kịch và đạo diễn luôn chăm chút từng yếu tố, không ngừng cải thiện chuyên môn cũng như biết nhìn nhận đánh giá từ công chúng.

Wukong từng chứng kiến chú khỉ Caesar trưởng thành, giải phóng bầy khỉ khỏi sự giam cầm của con người (Sự Trỗi Dậy Của Hành Tinh Khỉ), sau đó xây dựng một đế chế riêng cho giống loài của mình (Sự Khởi Đầu Của Hành Tinh Khỉ) và cuối cùng là cuộc chiến chống lại con người để bảo vệ sự tồn vong của loài (Đại Chiến Hành Tinh Khỉ).

Nếu bạn để ý, từ cách đặt tiêu đề cũng thấy được thương hiệu này đã xây dựng theo một hệ thống, chu trình nhất định, từng giai đoạn một được thiết lập như thể xác định được Hành Tinh Khỉ sẽ là chuỗi phim phát triển có sự chăm chút toàn diện so với những thương hiệu khác. Đó là lý do vì sao cả 3 mùa phim đều nhận được những đánh giá tích cực: từ khâu hình ảnh, diễn xuất cho đến kịch bản, nội dung.

Chưa kể các nhân vật như chú khỉ Caesar, Koba, Maurice, Blue Eyes…đều do những diễn viên thật đóng, họ chỉ lắp đặt những công nghệ “bắt chuyển động” vào cơ thể để hỗ trợ về mặt tạo hình, còn lại đều do các diễn viên thực hiện hiện.

Bộ ba phim Hành Tinh Khỉ cũng đã xuất sắc nhận được những số điểm đánh giá “không thể xịn hơn” từ Rotten Tomatoes. Cụ thể, Sự Trỗi Dậy Của Hành Tinh Khỉ đạt 82% từ 272 bài đánh giá, Sự Khởi Đầu Của Hành Tinh Khỉ đạt 90% từ 315 bài đánh giá và Đại Chiến Hành Tinh Khỉ đạt 94% từ 363 bài đánh giá.

So với Jurassic World hay Fantastic Beasts, chuỗi phim Hành Tinh Khỉ dường như chưa có dấu hiệu nào cho thấy mọi thứ đang đuối sức và buộc phải “vắt sữa”. Thậm chí, mình nghĩ nếu Disney thực hiện mùa 4 vẫn hoàn toàn có thể kết nối câu chuyện với phần phim gốc. Vì một chi tiết đã được cài vào cuối phần 1 là con tàu vũ trụ Icarus bị mất tích, điều này có thể liên hệ đến bản phim năm 1968 khi loài người đã lạc trong thiên hà và trở về thì loài khỉ đã chiếm đóng Trái đất.

Như vậy, Wukong nghĩ chúng ta có thể coi 3 mùa phim “reboot” là tiền truyện của phần phim gốc ở thế kỷ trước.

Do đó nếu kịch bản mùa 4 xây dựng cho con tàu này trở về và được con của Ceasar là Cornelius giúp đỡ, sau đó linh hoạt những diễn biến cho phù hợp với mạch phim, thì chắc chắn Planet of the Apes 4 không hoàn toàn là thương hiệu “vắt sữa”.

Tags: , ,

Comments are closed.