Sau nhiều năm lang bạt kiếm sống ở TP HCM và Campuchia, giữa tháng Bảy này, ông Trần Trinh Đức (con trai Công tử Bạc Liêu) đã đưa vợ và con gái về sinh sống tại căn nhà trọ thuộc phường 7, thị xã Bạc Liêu.
Tại đây, ông Đức tiếp tục hành nghề chạy xe ôm như thời ở TP.HCM.
Ông Đức tâm sự: Hy vọng lần về cố hương này sẽ giúp gia đình ông cuộc sống sung túc hơn để ông có thể nuôi được vợ con, bởi vật giá ở Bạc Liêu rẻ hơn nhiều so với TP.HCM và tình thương của bà con nơi “chôn nhau cắt rốn” đậm đà hơn.
Thông tin trên đã làm cho người dân xứ Bạc đặc biệt chú ý, bởi xưa kia ông Trần Trinh Huy (thường được gọi là Công tử Bạc Liêu, Hắc Công tử) vốn là người giàu có, ăn chơi nức tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh…
Công tử Bạc Liêu sinh ngày 22.6.1900 và mất ngày 16.1.1973. Ngày 16.1.2009, ông Trần Trinh Đức về Bạc Liêu làm đám giỗ lần thứ 36 cho cha tại khách sạn Công Tử Bạc Liêu – ngôi nhà trước đây thuộc sở hữu của cha ông. Ông Đức sinh năm 1947, con của bà Nguyễn Thị Hai (vợ thứ hai của Công tử Bạc Liêu). Ông Đức có 2 người vợ, 3 đứa con. Vợ trước là Lý Phụng Anh (đã mất) và vợ hai là Nguyễn Thị Nga. Theo ông Đức thì sau khi cha ông qua đời, gia đình ông thật sự rơi vào cảnh khốn khó, phải tha phương, lao động cật lực bằng đủ thứ nghề để mưu sinh.
Ông Trần Trinh Đức trong ngày giỗ cha |
Ông Đức tâm sự: Sau khi cha mất 2 năm, gia đình ông bán hết của cải, tài sản và căn nhà số 26/6 đường Nhất Linh (nay thuộc Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để trả nợ. Kể từ đó, anh em, con cháu trong gia đình bỏ đi tứ xứ, người trụ lại Sài Gòn, người ra Vũng Tàu, người về quê Bạc Liêu, Cà Mau… kiếm sống. Riêng ông Đức thì xin ở đậu nhà ông già vợ trong một con hẻm nhỏ thuộc Q.Gò Vấp, TP.HCM.
Trong khoảng thời gian này, ông cùng vợ ra chợ An Đông mua bán quần áo, đồng hồ, ti vi cũ… Tích góp số tiền kha khá, năm 1995, ông mua căn nhà nhỏ tại chợ An Đông, Q.5 để vừa ở vừa buôn bán. Gia cảnh của ông Đức trở nên cùng cực khi con gái út của ông bị người yêu gạt cả tình lẫn tiền. Kể từ đó cô út suy sụp rồi mắc bệnh tâm thần cho đến nay. Năm 1997, ông Đức phải bán nhà lần nữa để trả nợ cho con, gia đình ông lại lâm vào cảnh trắng tay.
Bí đường, năm 1998 ông cùng vợ con sang tận Campuchia để tìm kế mưu sinh. Công việc thường ngày của ông trên đất khách quê người là tìm mua giày “si đa” về đánh bóng bán lại cho các mối ở Việt Nam. Do thu nhập ở Campuchia quá thấp, không đủ sống, ông lại đưa vợ con trở về Việt Nam sống tá túc nhà mẹ vợ một thời gian dài.
Theo bè bạn, ông Đức ra đường chạy xe ôm. “Chạy xe ôm thu nhập rất bèo, mỗi ngày chỉ được khoảng 30 – 60 ngàn đồng. Hôm nào may mắn được khách quen cho thêm vài chục” – ông Đức tâm sự. Con trai ông là Trần Kinh Bảo (34 tuổi) cũng chạy xe ôm để phụ giúp gia đình nhưng thu nhập còn thấp hơn ông. Khó khăn chồng khó khăn.
Sau khi thông tin về hoàn cảnh khó khăn của ông Đức được đăng tải trên báo, nhiều người cảm thông ra tay giúp đỡ. Nhân chuyến về giỗ cha, ông Đức đã gặp được một mạnh thường quân – ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Bạc Liêu. Ông Luận có nhã ý tặng cho ông Đức một lô “đất vàng” rộng hơn 200m2, tại Khu du lịch Hồ Nam, thị xã Bạc Liêu. Đồng thời, ông Luận cũng đứng ra vận động các mạnh thường quân góp tiền mua căn nhà gỗ ba gian trị giá khoảng 300 triệu đồng tặng cho gia đình ông Đức để làm phủ thờ ông bà kết hợp tham quan du lịch. Ông Luận sẽ hỗ trợ lương quản lý cho ông Đức 5 triệu đồng/tháng giúp ông ổn định cuộc sống. Ngoài ra, bà Võ Kim Cương – Giám đốc khách sạn Công tử Bạc Liêu cũng ngỏ lời mời ông về làm việc tại khách sạn…
Tin trên làm gia đình ông Đức vô cùng phấn khởi, xúc động. Ông hứa sẽ cùng gia đình về Bạc Liêu sinh sống suốt quãng đời còn lại, bởi theo ông không có mảnh đất nào êm đềm bằng quê cha, đất tổ – nơi ấy có bạn bè, có những con người hiếu khách, có mồ mả ông bà…