Cận cảnh khoả thân vẽ cơ thể tại Việt Nam

Nghệ thuật vẽ cơ thể thỉnh thoảng lại làm cú “nhá hàng”, vừa đủ để thách đố những định kiến, cấm kỵ trong chuyện phô bày cơ thể nơi công cộng.

Cô người mẫu chầm chậm đi ra từ phía sau những tấm gỗ được dựng lên trong góc phòng, bắt đầu trút váy áo, chỉ để lại chiếc quần lót trên người và quăng vèo mọi thứ vô một góc khác.

Cận cảnh 'nghệ thuật vẽ cơ thể'
Cuộc trình diễn body painting của họa sĩ Phương Vũ Mạnh, kết hợp với người mẫu Đức Teresa. Ảnh: Ngô Nhật Hoàng.

Len lén… trình diễn

Cuộc trình diễn của họa sĩ Phương Vũ Mạnh, một trong những nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật vẽ cơ thể (body painting) tại Việt Nam đã bắt đầu như vậy trong căn phòng trống của một xưởng phim ở TP.HCM vào cuối tháng 5/2010. Căn phòng rộng vừa đủ cho hơn 20 người dự khán, gồm phóng viên, nghệ sĩ. Mọi thứ diễn ra trong nội bộ, khi trước đó, lời mời được chuyển đi bằng tin nhắn và những lời “rỉ tai”.Có thể xem, cuộc trình diễn trên là nỗ lực mới nhất của các nghệ sĩ đang thực hành nghệ thuật body painting ở Hà Nội và TP.HCM trên cả hai khía cạnh: đi tìm công chúng và bày tỏ nhu cầu được công khai nơi công cộng.Đây là một trong những dịp hiếm hoi để những người quan tâm được tận mắt chứng kiến body painting.Do chưa có không gian trình diễn riêng, các màn vẽ lên người mẫu khỏa thân chỉ thường được trình diễn qua trung gian hình ảnh: nghệ sĩ hợp tác với nhiếp ảnh, ánh sáng, make-up chụp lại quá trình làm việc và “show” lên báo chí “khoe” kết quả.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng: Thách thức tập quán xã hội

Từ xa xưa, vẽ hay xăm mình là một tập tục giúp con người thích nghi với môi trường sống. Những năm 60 của thế kỷ 20, nghệ thuật này phát triển mạnh ở Mỹ, gắn liền với các phong trào hippi, nữ quyền, đồng tính… Trong thế kỷ 17 – 18, vẽ hay xăm mình lên cơ thể cũng rất phát triển ở Nhật cùng với các băng đảng yakuza. Nhìn chung, sự phát triển của nó gắn thường gắn với các phong trào cá nhân, cho phép người tham gia sử dụng cơ thể của mình như cách phá vỡ giới hạn cuối cùng.

Body painting là một nghệ thuật có ý nghĩa về mặt hành vi, tức là anh dám làm, còn làm được như thế nào là chuyện hậu xét. Nó là một thách thức đối với tập quán xã hội hơn là thách thức với nghệ sĩ. Ở Việt Nam, body painting đang trong giai đoạn phôi thai, ra đời như một nhu cầu tự nhiên, đương nhiên nó sẽ lớn và lớn như thế nào lại là một vấn đề của xã hội. Do phôi thai, nên nó có thể lộn xộn hoặc bị lợi dụng. Qua thời gian, cái nhố nhăng sẽ tan đi, cái đẹp; sự thông minh của ý tưởng mới là cái ở lại.

“Body painting Việt Nam đang trong giai đoạn phôi thai, tự phát, chưa thành phong trào, ông nào hứng lên thì làm. Thậm chí, không biết phải xin phép ở hội mỹ thuật hay hội sân khấu? Nó phi chính thống, nên nó chưa thuộc về đâu, có làm là làm chui”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận định.

Phương Vũ Mạnh có lẽ là một trong những người thực hành body painting sớm nhất tại Việt Nam khi năm 1996, anh đã bắt đầu cầm cọ vẽ lên cơ thể một người bạn trong giới nghệ thuật. Anh kể, việc này hoàn toàn tình cờ vì lúc ấy, anh đang hứng thú với việc chụp ảnh và muốn thêm chút ấn tượng cho bức ảnh bằng cách vẽ lên da. Chỉ sau này, nhờ nguồn tài liệu sách báo, internet, anh mới phát hiện thế giới đã coi chuyện vẽ lên người là một hình thức nghệ thuật nằm trong trào lưu body art (nghệ thuật lấy cơ thể làm phương tiện hay chất liệu biểu hiện).

Các nghệ sĩ từng thể nghiệm loại hình này hiện vẫn chỉ loanh quanh ở những cái tên như Ngô Lực, Phương Vũ Mạnh, Đào Anh Khánh, Trương Tân, Bùi Công Khánh, Như Huy… Trong đó, hai nghệ sĩ được xem là thực hành nhiều nhất loại hình này hiện chỉ có Phương Vũ Mạnh ở Hà Nội và Ngô Lực ở TP.HCM.

Những cuộc hợp tác trình diễn vẽ cơ thể giữa các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài thỉnh thoảng diễn ra ở một số lễ hội, quán bar, resort, sân vườn nhà riêng, thường theo kiểu “tên lửa” – cùng góp sức làm chương trình, xong việc thì “bùm”, ai về nhà nấy.

Cận cảnh 'nghệ thuật vẽ cơ thể'
Màn trình diễn body painting “nội bộ” của Phương Vũ Mạnh. Ảnh: Andrew

Chỉ chạm vào cơ thể thôi đã khó

Trên lằn ranh mong manh giữa nghệ thuật và sự dung tục, “đứa bé” body painting Việt bước ra nơi công cộng trong sự réo đòi về quyền được có mặt công khai lẫn một “bàn tay” nâng đỡ. Những cuộc trình diễn chính thức nơi công cộng của body painting đến nay vẫn còn rất ít ỏi. Khả năng được có mặt hay không được có mặt, gần như phụ thuộc vào thương lượng ngầm giữa ba bên nghệ sĩ – đơn vị tổ chức sự kiện – nhà quản lý, quanh chuyện vẽ cái gì và cởi đến đâu.

Sau hơn 10 năm âm thầm dùng cơ thể con người như tấm bố vẽ, họa sĩ Phương Vũ Mạnh kể câu chuyện hài hước rằng, lần trình diễn body painting đầu tiên của anh nơi công cộng lại chính là hợp tác với một nhóm nghệ sĩ cùng vẽ lên… trâu.

Những người tổ chức đã khéo léo tích hợp nội dung truyền thống của lễ hội tịch điền ở Duy Tiên, Hà Nam (năm 2009) với body painting bằng chi tiết có trong lịch sử: Trong lễ hội đầu xuân này, nhà vua phải xuống ruộng kéo ba đường cày để cầu cho vụ mùa năm mới được tốt tươi. Theo truyền thống, những con trâu của vua phải được trang trí bằng vải đỏ thì nay, được… body painting.

Cận cảnh 'nghệ thuật vẽ cơ thể'

Quá trình vẽ lên cơ thể trong một studio bắt đầu bằng khâu trang điểm cho người mẫu.

Cận cảnh 'nghệ thuật vẽ cơ thể'
Cận cảnh 'nghệ thuật vẽ cơ thể'
Cận cảnh 'nghệ thuật vẽ cơ thể'

Dịp hiếm hoi khác mà giới họa sĩ body painting có cơ hội tiếp cận với lượng công chúng rộng rãi là tại lễ hội đền Lảnh Giang. Lần này là vẽ lên cơ thể trai làng. Cùng thời điểm, các đồng nghiệp phía Nam của họ lần đầu được công khai trong festival thủy sản tại Cần Thơ với những người mẫu “mặc đồ 50%”.

Chỉ đến tháng 3/2010, các người mẫu nữ mới lần đầu xuất hiện trước công chúng để cởi đồ cho họa sĩ vẽ lên trong triển lãm Cuộc sống ở Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace tại Hà Nội. Nhưng body painting sẽ còn đi tới đâu lại là câu hỏi mà ngay những người trong cuộc cũng không thể dự báo. Bởi theo họa sĩ Ngô Lực thì: “Chỉ chuyện chạm được vào cơ thể thôi đã là khó khăn hết mức rồi”.

Tags: , , , , , , , , , , ,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*
*